Thanh công cụ Property Bar (Bài 6)
Chắc bạn còn nhớ, thanh công cụ Property Bar có khả năng thay đổi xoành xoạch tùy theo tình huống cụ thể. Khi co dãn đối tượng, bạn để ý, thanh công cụ Property Bar có dạng như hình 1 (bạn sẽ thấy tên gọi của các thành phần khác nhau trên thanh công cụ nếu trỏ vào từng thành phần và chờ chừng một giây).
Hình 1 |
Ý nghĩa của mỗi thành phần trên thanh công cụ Property Bar như sau:
Object(s) Position: Đây là thành phần thể hiện vị trí của đối tượng (cụ thể là tọa độ góc trên, bên trái của khung bao), bao gồm hai ô x và y cho biết hoành độ và tung độ, tính từ mốc số 0 trên thước đo ngang và thước đo dọc. Muốn di chuyển đối tượng đến vị trí nào đó có tọa độ cho trước, bạn có thể bấm-kép vào ô và gõ tọa độ. Trong Windows, người ta thường gọi loại ô như vậy là ô nhập liệu (input field).
Object(s) Size: Thành phần này thể hiện kích thước đối tượng (thực chất là kích thước của khung bao). Ô nhập liệu bên trên cho biết chiều rộng, ô nhập liệu bên dưới cho biết chiều cao. "Gọi là ô nhập liệu? Nghĩa là ta có thể gõ trị số mới vào đấy?". Vâng, đúng như vậy. Bạn có thể quy định "thẳng thừng" kích thước chính xác của đối tượng bằng cách gõ trị số cụ thể vào hai ô nhập liệu đang xét.
Scale Factor: Hai ô nhập liệu này thể hiện liên tục tỉ lệ co dãn theo chiều rộng và theo chiều cao trong khi bạn đang co dãn đối tượng. Bạn có thể gõ vào ô nhập liệu tỉ lệ co dãn cụ thể. Chẳng hạn, để làm đối tượng được chọn dãn rộng gấp đôi, bạn gõ vào ô nhập liệu bên trên trị số 200 (tức 200%).
Nonproportional Scaling/Sizing Ratio: Thành phần này có biểu tượng hình ổ khóa với hai trạng thái đóng và mở (để đóng/mở bạn chỉ việc bấm vào ổ khóa). Khi ổ khóa đóng, tỉ lệ co dãn theo chiều rộng và theo chiều cao luôn luôn bằng nhau, giữ cho đối tượng không bị biến dạng. Ví dụ, nếu bạn đóng khóa này và gõ 200 trong ô nhập liệu Scale Factor bên trên, ô nhập liệu Scale Factor bên dưới tự động nhận trị số 200. Để có thể điều chỉnh độc lập mỗi ô nhập liệu Scale Factor, bạn phải mở khóa.
Angle of Rotation: Khi bạn quay tròn đối tượng (ta sẽ tìm hiểu cách làm chuyện này trong phần tiếp theo), góc quay tính bằng độ được thể hiện trong ô nhập liệu này. Cũng như các ô nhập liệu vừa nêu, bạn có thể quay tròn đối tượng được chọn bằng cách gõ trị số góc quay cụ thể vào ô nhập liệu Angle of Rotation.
Mirror Buttons: Thành phần này gồm hai nút bấm giúp bạn lật ngang hoặc lật đứng đối tượng được chọn. Cách thức này nhanh chóng hơn so với việc nắm lấy dấu chọn, điều chỉnh để có tỉ lệ co dãn theo chiều rộng hoặc theo chiều cao là -100%.
Bạn còn thấy có những thành phần khác nữa trên thanh công cụ Property Bar nhưng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu trong dịp khác. Lúc này ta hãy thử "chơi bời" chút xíu với các thành phần vừa nêu.
Bấm-kép vào ô nhập liệu Scale Factor bên trên | Trị số 100.0 trong ô bị "đảo màu", thể hiện tình trạng sẵn sàng để thay đổi |
Đóng khóa Nonproportional Scaling/Sizing Ratio | Khóa được "bấm lại" |
Gõ 200 và gõ Enter | Nhân vật của ta lớn lên gấp đôi |
Ấn Ctrl+Z | |
Bấm vào nút Mirror Buttons bên trên | Nhân vật bị lật ngang |
Ấn Ctrl+Z | |
Bấm vào nút Mirror Buttons bên dưới | Nhân vật bị lật đứng |
Ấn Ctrl+Z | |
Bấm-kép vào ô nhập liệu Angle of Rotation | Trị số 0.0 trong ô bị "đảo màu", thể hiện tình trạng sẵn sàng để thay đổi |
Gõ 45 và gõ Enter | Nhân vật bị quay tròn 45 độ |
Ấn Ctrl+Z | |
Quay tròn đối tượng
Việc quay tròn (rotate) đối tượng bằng cách gõ trị số góc quay cụ thể chỉ thích hợp khi bạn có dự định thật rõ ràng. Thông thường, ta chỉ "xoay trở" đối tượng để tìm một tư thế nào đó được xem là thích hợp (mà ta cũng chưa rõ lắm). Cũng như khi nắm lấy đối tượng để di chuyển, Corel DRAW cho phép bạn quay tròn đối tượng một cách trực quan, rất dễ chịu.
Khi đối tượng đang có các dấu chọn hình vuông bao quanh, nếu bạn bấm vào đối tượng ấy lần nữa (vào giữa đối tượng hoặc vào đường nét của đối tượng), các dấu chọn hình vuông biến thành mũi tên hai đầu, thể hiện tình trạng sẵn sàng "khiêu vũ" (hình 2). Ta sẽ gọi các dấu chọn như vậy là dấu chọn quay (rotation handle). Thay cho dấu X giữa đối tượng là một vòng tròn nhỏ có dấu chấm ở tâm nhằm thể hiện thật rõ tâm quay. Để cho tiện, ta gọi chính vòng tròn nhỏ ấy là tâm quay (center of rotation).
Bạn chỉ việc trỏ vào dấu chọn quay ở một trong bốn góc khung bao (sao cho dấu trỏ thay đổi thành dạng mũi tên tròn hai đầu) và kéo đối tượng quay tròn tùy thích. Tâm quay mặc định nằm giữa đối tượng. Bạn có thể kéo tâm quay đến vị trí khác để tạo ra phép quay như ý.
Hình 2 |
Lúc này nhân vật của ta đang ở trong tình trạng "được chọn" thể hiện bởi các dấu chọn hình vuông bao quanh. | |
Bấm vào giữa nhân vật | Các dấu chọn quay xuất hiện (hình 2) |
Trỏ vào dấu chọn quay ở một trong bốn góc khung bao | Dấu trỏ của chuột biến thành mũi tên tròn hai đầu |
Kéo dấu chọn quay tròn | Nhân vật quay tròn theo sự điều khiển của bạn |
Thả phím chuột | Nhân vật yên vị ở tư thế mới (hình 3) |
Ấn Ctrl+Z | Nhân vật trở về tư thế cũ |
Kéo tâm quay qua bên trái | |
Kéo dấu chọn ở một trong bốn góc quay tròn | Nhân vật quay tròn quanh tâm mới |
Ấn Ctrl+Z | Nhân vật trở về tư thế cũ |
Ấn Ctrl+Z lần nữa | Tâm quay trở về vị trí cũ |
Hình 3 |
Kéo xiên đối tượng
Nếu bạn trỏ vào dấu chọn quay ở giữa cạnh khung bao (thay vì ở góc), dấu trỏ sẽ biến thành mũi tên kép. Khi ta kéo dấu chọn quay như vậy, đối tượng sẽ không quay tròn mà bị nghiêng đi, "quay quắt". Người ta gọi thao tác như vậy là kéo xiên (skew).
Trỏ vào dấu chọn quay ở giữa cạnh trái khung bao | Dấu trỏ biến thành mũi tên kép thẳng đứng |
Kéo dấu chọn lên trên | |
Thả phím chuột | Nhân vật của ta càng "cười sằng sặc" (hình 4) |
Ấn Ctrl+Z | |
Hình 4 |
Sưu tầm bởi Thủ thuật và mẹo vặt hàng ngày
Một vài hình thức kiếm tiền qua mạng để các bạn tham khảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét